XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  CHIẾN BINH CẦU VỒNG 


phan 16

 Nhanh như cắt, không chần chừ, không lưỡng lự.
Khán giả sửng sốt. Những thí sinh khác sững sờ như thể bị bò bùa mê. Cô Mus chuyển lên ngồi phía trước. Nét lo lắng trên mặt cô biến mất. Cô rầm rầm khấn, “Subhanalla, subhanallah, lạy Đức Alla…”
Cha mẹ Lintang hãnh diện khi trông thấy còn trai mình trả lời thật xuất sắc.
Cô kia tiếp tục đọc câu hỏi.
Thằng Lintang ẵm trọn các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên. Những câu hỏi ở lĩnh vực khác bị các đội khác giành điểm, nhất là đội trường PN. Vòng một kết thúc. Chúng tôi dẫn đầu.
Vòng hai, đối thủ của chúng tôi dần dần nhích đến điểm gần ngang bằng với chúng tôi. Đã vậy con nhỏ Sahara và tôi còn trả lời mấy câu sai nữa, thế là mất đứt bao nhiêu là điểm. Vòng hai kết thúc và tình hình trở nên căng thẳng hơn khi sắp đến vòng thi quyết định.
Vòng ba, đội trường nhà nước bị loại. Thật là một tình huống đáng ngại - đội PN, toàn những đứa thông minh ngang ngửa thằng Lintang, đã đuổi kịp điểm số chúng tôi; thậm chí còn vượt qua vài lần nữa.
Mỗi lần một đứa trong đội PN trả lời đúng, hàng trăm cổ động viên reo hò vang dội. Khi đội tôi trả lời đúng cũng vậy. Thật lạ, nhưng có lẽ là vì đội của bọn nó không có cơ hội thắng nên cổ động viên của trường công đã quay sang ủng hộ đội tôi. Toàn bộ số cổ động viên lên đến 1.000 và gần như chia đều cho cả hai đội. Tất cả đều hoan hỉ khi đội mình cổ vũ trả lời đúng một câu hỏi. Người vui nhất là Harun. Cậu ấy vui như hội. Tôi thấy cậu vỗ tay không ngớt và cố vũ đến khản giọng, nhưng cậu chả hề nhìn chúng tôi. Cậu nhìn ra ngoài cửa sổ. Hình như cậu cổ vũ cho một nhóm cô gái đang chơi kasti ngoài sân hay sao ấy.
Vòng chung kết. Đội trường PN và đội chúng tôi đuổi sát điểm nhau, lúc thì chúng tôi hơn lúc thì đội PN hơn, như những đợt sóng vỗ. Chênh lệch điểm giữa hai đội lúc nào cũng là 100. Cuộc thi đã tiến đến thời điểm quyết định: Một câu trả lời đúng sẽ quyết định người thắng cuộc, một câu trả lời sai kéo theo hậu quả khôn lường.
Tình huống trở nên gay cấn hơn khi điểm số giữa hai đội cứ suýt soát nhau như thế và lúc này chỉ còn năm câu hỏi, điểm chúng tôi ghi được là 1.600 trong khi đội PN là 1.700. Chúng tôi phải giành cơ hội để ngang điểm, nhưng khi cô kia đọc câu hỏi, “Pleng Chard Thai là…”
Chắc như đinh đóng cột, tôi nhất nút và la lớn, “Quốc ca Trung Hoa!”
Và tôi đã trả lời sai.
“Trừ một trăm điểm!”
Mọi người rủa xả tôi. Thật ngu không chịu nổi. Nghe cái tên đã biết là của Thái Lan rồi mà. Nhưng vì A Ling, tất cả mọi cụm từ có ba từ, ví dụ Njoo Xian Ling, đều khiến tôi cứ thế nghĩ về Trung Hoa - như một cái máy.
Sự xuẩn ngốc đó khiến đội tôi lâm vào tình huống nguy hiểm. Tệ hơn nữa, đội PN đã trả lời đúng một câu hỏi về phát hiện khoa học trong di truyền học. Những kiến thức như thế, trên ti vi hay những tạp chí khoa học mới nhất, là những kiến thức chúng tôi không có cơ hội tiếp cận nên đâu có biết.
Thế nên chúng tôi mất cơ hội cho hai câu hỏi, 200 điểm. Trong suốt cả trận đấu rất ít khi chúng tôi thua trường PN số điểm tương tự. Những đối thủ đến từ trường nhà nước chỉ có thể ngồi thộn ra, mặt đứa nào cũng đầy âu lo.Cổ động viên của chúng tôi hồi hộp đến nín thở.
Sự thất bại nhảy múa trước mặt chúng tôi. Đáng buồn thật. Sự giỏi giang của Lintang bị sự kém cỏi của Sahara và tôi làm cho lu mờ - nhất là tôi. Sahara và tôi đã không xứng đáng với niềm mong mỏi của cô Mus, đã không trả lời đúng những câu hỏi nằm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Tôi thấy mình có lỗi quá thể. Sahara giận tôi lắm. Nó ghé miệng vào tai tôi giận dữ, “Boi, nghe đây! Nếu có câu hỏi nào về địa lý nữa, đừng có mà nhanh nhảu đoảng nữa đấy! Ngậm mồm lại và coi chừng đó!”
Con nhỏ Sahara quả là đứa chẳng nể nang, cứ thế thẳng đuột.
“Đó là hậu quả của việc giao nhiệm vụ cho một đứa không có chuyên môn! Đợi xem hậu quả thảm khốc nhé!”
Đáng nể thật! Ngay cả trong tình cảnh căng thẳng như thế này - lúc mà đội chúng tôi sắp thua đến nơi - mà con nhỏ Sahara vẫn có thể trích dẫn lời dạy của Muhammad, và vẫn còn cãi cọ cho được - đây quả thực là sở thích của nó. Ý nó muốn nói nó mới là chuyên gia về địa lý, và bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến dân số một nước, sản phẩm nông nghiệp và quốc ca chỉ nên để mỗi nó trả lời thôi. Sự giận dữ của nó chẳng để làm gì cả; Sahara thúc cùi chỏ vào mạn sườn tôi, giành quyền trả lời câu hỏi kế tiếp.
“Quốc ca Brunei Darussalam là gì?”
Reng!
“Đội F!”
“Allah Peliharalah Sultan!”
“Một trăm đi.. .i.. .i.. .iểm!”
Nhưng chúng tôi vẫn còn thua đội PN 100 điểm.
Câu hỏi thứ tư trong số năm câu hỏi cuối cùng về một người có tên Ernest Rutherford.
“Người đàn ông gốc New Zealand này đã có đóng góp gì cho khoa học?”
“Ông là người tiên phong trong việc phân chia hạt nhân ra thành các hạt nhỏ hơn,” Lintang điềm đạm trả lời.
“Một trăm điểm!”
Cổ động viên của chúng tôi hứng khởi trở lại khi điểm sá bây giờ đã ngang nhau. 1.800 - 1.800. Sự hồi hộp lên đến đỉnh điểm khi chỉ còn một câu hỏi cuối cùng. Mọi người rời chỗ ngồi của mình chen cả lên đằng trước. Trông cô Mus và thầy Harfan như đang lầm rầm cầu nguyện. Thậm chí người đọc câu hỏi cũng thấy căng thẳng.
“Các em hãy nghe cho kỹ nhé. Đây là câu hỏi cuối cùng.” Giọng cô nghe run run.
“Một phát minh khoa học liên quan đến những quan niệm về màu sắc đầu thế kỷ mười sáu đã khởi xướng nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực quang học. Vào lúc đó, nhiều nhà khoa học tin rằng màu sắc đó được là nhờ sự hòa trộn giữa ánh sáng và bóng tối, một ý kiến hóa ra không đúng. Lỗi này được chứng minh bằng cách phản chiếu ánh sáng lên thấu kính lõm…”
Reng! Reng! Reng! Lintang hét lên. “Vân tròn Newton!”
Người đọc câu hỏi nở nụ cười hài lòng. Cô ấy nãy giờ vẫn âm thầm đứng về phía đội chúng tôi. Người hô một trăm điểm cùng cười sung sướng. Khuôn miệng cá vàng của ông hô to, “Một trăm đi...i...i...iểm!”
Các cổ động viên đội chúng tôi hò hét nhảy cẫng lên vì vui sướng. Chúng tôi thắng. Tôi không thể tin được điều đó – trường làng Muhammadiyah của chúng tôi thắng. Tôi ôm lấy Lintang. Nó đưa cả hai tay lên cao. Chúng tôi cứ thể nhảy trong niềm vui tưng bừng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chúng tôi đang đắm mình trong niềm vui chiến thắng thì nghe thấy có ai đó la lớn từ dãy bên dưới: “Thưa giám khảo! Thưa trưởng ban giám khảo! Tôi cho rằng câu hỏi và câu trả lời đều sai cả!”
Mọi người im bặt nhìn cả về phía sau. Người vừa la lớn đó đứng lên bước xăm xăm về phía trước với dáng điệu giận dữ. Ô, thì ra là Cử nhân Zulfikar, giáo viên dạy giỏi môn vật lý của trường PN. Ôi không! Có chuyện rồi. Con nhỏ Sahara và tôi xịu mặt xuống, nhưng Lintang vẫn điềm tĩnh. Khi bước lên tới phía trước, ông thầy đó đứng chống nạnh rất ư trịch thượng rồi bắt đầu thao thao:
“Thí nghiệm với những thấu kính lõm không chứng minh được điều gì cho bài phê bình về thuyết màu sắc liên quan đến ánh sáng và bóng tối trước đây cả. Sự hiểu biết liên quan đến việc tạo ra màu sắc không phải là một vấn đề thuộc quang học, trừ phi ban giảm khảo muốn bất đồng với Descartes. Quang học và quang phổ màu sắc là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Trong tình huống mập mờ này, chúng ta đối mặt với ba khả năng: câu hỏi sai, câu trả lời sai, hay câu hỏi và câu trả lời thiếu cơ sở, không theo ngữ cảnh!”
Ôi trời! Lời bình phẩm này quả là vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi; quá lạ lẫm và cao siêu. Cứ giống như một buổi bảo vệ luận án thạc sĩ trước ba vị giáo sư phản biện vậy. Nhưng chẳng phải lời nói của vị giáo viên giỏi kia mang hàm ý chê bai hay sao? Và thầy thật thông minh khi khiến ban giám khảo phải nao núng bằng cách trích dẫn quan điểm của Descartes. Ai dám bất đồng ý kiến với chuyên gia học huyền thoại đó cơ chứ?
Hy vọng Lintang có ý kiến phản hồi. Nếu nó không làm được vậy, chúng tôi chấm dứt ở đây. Tôi lo ngay ngáy nhưng chẳng biết làm gì.
Thầy Harfan ngơ ngác. Cô Mus bối rối, mặt cô tái nhợt như có một con bồ câu bằng vàng vừa mới tuột khỏi tay cô. Nếu không phải vì ông thầy Zulfikar đó, chúng tôi đã thắng rồi. Rõ ràng cô Mus muốn bảo vệ chúng tôi, nhưng cũng rõ ràng là kiến thức về vật lý của cô thua xa ông thầy Zulfikar ấy.
Tôi nhìn con nhỏ Sahara. Nó nhanh chóng quay mặt đi như thể nó chưa từng gặp tôi và Lintang vậy. Khán giả và ban giám khảo khựng lại bởi ý kiến phản đối có vẻ như rất thông minh ấy. Chẳng ai phản hồi được khi mà gần như không ai biết thầy đó nói về điều gì. Nhưng phải có người nào đó cứu chúng tôi thoát khỏi tình huống đó chứ. Trưởng ban giám khảo đứng lên. Lintang vẫn điềm tĩnh và còn cười nữa; nó thấy rất thư thái.
“Cảm ơn về ý kiến phản đối rất hay của thầy. Tôi chỉ có thể nói rằng lĩnh vực của tôi là giáo dục đạo đức Pancasila... “
Thầy Zylfukar lầm bầm gì đó. Thầy ta cảm thấy mình thắng thế. Nhìn mắt thầy có thể thấy thầy muốn chứng tỏ rằng mình đã từng đọc Principia của Isaac Newton, thầy cũng đặt mua dài hạn các tạp chí vật lý quốc tế, và rằng thầy là một con chuột phòng thí nghiệm với kinh nghiệm đầy mình. Thầy là một cử nhân mới tốt nghiệp ngạo mạn cho rằng mình biết tuốt. Bài diễn văn của thầy được chêm vào nhiều câu trích dẫn và thuật ngữ khoa học không đáng tin cậy nhằm để khoe mẽ. Nhưng giờ thì tôi đảm bảo rằng thầy sẽ phải uống một viên APC thôi, viên thuốc đắng nghét được người dân Mã Lai vùng xa xôi nghèo khổ dùng để trị bách bệnh ấy.
Vì đã tin chắc đội trường mình sẽ thắng, thầy Zulfikar, không thể cưỡng lại được mong muốn hạ giá trị chúng tôi, đã chuyển từ ngạo mạn sang thô lỗ.
“Có lẽ các học sinh trường Muhammadiyah này hoặc ban giám khảo sẽ vui lòng giải thích một chút về thuyết Descartes về hiện tượng màu sắc chăng?”
Thầy đó đi quá xa mất rồi! Không ai ngờ được chuyện dó. Thầy Zulfîkar muốn làm mất thể diện chúng tôi và làm mất uy tín ban giám khảo. Thầy đó tin rằng không ai trong chúng tôi biết về Descartes, và như thế thì sẽ phải hủy câu hỏi đó hoặc chứng tỏ rằng câu trả lời chúng tôi là sai. Và nếu câu trả lời của chúng tôi sai thì chúng tôi sẽ mất 100 điểm và trường PN sẽ thắng. Điều khiến chúng tôi thấy tổn thương nhất là cái lối thầy đó nói trường Muhammadiyah, cố tình nhấn mạnh để nhắc mọi người nhớ rằng trường chúng tôi chỉ là một trường tầm thường chẳng có gì nổi trội hết.
Tôi không hiểu những lý thuyết về quang học, nhưng tôi biết một chút về lịch sử của việc phát hiện ra màu sắc. Tôi từng đọc một câu chuyện, và tôi biết rằng Descartes làm thí nghiệm với các lăng kính và những tờ giấy để thử màu, không liên quan đến quang học. Chính Newton mới là bậc thầy về quang học. Thầy Zulfikar rõ ràng là người tự cao tự đại già mồm già miệng cố trấn áp mọi người bằng cách tạo ấn tượng ta đây là người hiểu biết nhiều nhất về lý thuyết màu sắc. Tôi giận lắm và muốn phản đối thầy Zulfikar nhưng kiến thức của tôi lại có hạn.
Cách hành xử của thầy Zulfikar là một vấn đề muôn thuở của Indonesia: những người có học thức lòng vòng nói tới nói lui với những thuật ngữ to tát và lý thuyết cao siêu chẳng phải vì sự tiến bộ khoa học, mà là vì muốn khoe mẽ với những người ít nổi và không thể tìm ra lời lẽ để tranh luận. Những trí thức thích trấn áp và cho ta đây hiểu biết hơn người, như cách thầy Zulfikar thể hiện, nhan nhản khắp nơi. Những người kiểu như thế chỉ là trí thức rởm; những nhà khoa học rởm ngạo mạn khống chế những cộng đồng người không được học hành đến nơi đến chốn hòng tự tâng bốc bản thân lên và làm đầy túi mình.
Tôi nhìn Lintang, cầu cho nó trợ giúp nếu tôi có đứng lên phản đối sự quá đáng của thầy Zulfikar. Tôi thực sự cần nó hỗ trợ. Nhưng sẽ thế nào nếu hóa ra tôi là người sai? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bị tấn công dồn dập? À, nguy cơ cao đấy. Có thể tôi sẽ nhục nhã hơn thì có. Đây là vấn đề muôn thuở của những người như tôi - người không có kiến thức đầy đủ. Do vậy mà trong tôi đang giằng co hai thái cực một là mong muốn được lên tiếng phản đối, hai là lưỡng lự không dám. Nhưng tôi thấy giận vì trường mình bị xúc phạm, và tôi cũng tức phát điên khi biết rằng ông thầy Zulfîkar đã dẫn chứng nhà khoa học Descartes một cách sai lầm chỉ để đáp ứng cho lợi ích của riêng thầy.
Thấy tôi giận, Lintang nhoẻn miệng cười. Một nụ cười thật bình yên. Tôi biết, như thường lệ, nó thấu được suy nghĩ của tôi. Nó đáp lại cái nhìn chăm chăm của tôi bằng một ánh nhìn mềm mỏng như thể muốn nói, Bình tĩnh nào thằng em. Để thằng anh lo vụ này. Nó vẫn rất điềm tĩnh. Con nhỏ Sahara và tôi thu người lại; hai đứa tôi như muốn núp dưới vòng tay che chở của người bạn vốn là bậc thầy về trí thức – người biết tuốt và không hề nao núng cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa.
Khi nghe câu thách đố đầy khiêu khích của thầy Zulfikar, trưởng ban giám khảo hít một hơi thật sâu. Ông nhìn quanh các đồng nghiệp mình, những thành viên khác trong hội đồng giám khảo. Ai cũng lắc đầu có ý bảo họ không thể đấu trí tay đôi với thầy Zulfikar.
“Tôi xin lỗi, thầy giáo trẻ. Thay mặt ban giám khảo, tôi phải nói rằng chúng tôi không có đủ kiến thức về lĩnh vực ấy.”
Lời lẽ ông thật khiêm tốn, ông giáo già tội nghiệp ấy. Ông là giáo viên kỳ cựu có trái tim nhân hậu, được mọi người tôn trọng vì hàng mấy chục năm tận tụy với sự nghiệp giáo dục ở Belitong. Trông ông ngượng ngùng và tuyệt vọng, ông đưa ánh nhìn về phía đội chúng tôi, đội F. Lintang mỉm cười và khẽ gật đầu. Thật bất ngờ, trưởng ban giám khảo lên tiếng, “Nhưng học sinh đến từ trường Muhammadiyah này có thể giúp.”
Căn phòng im phăng phắc, ai nấy đều chìm trong lo lắng và mọi người trở nên bực bội hơn khi thầy Zulfikar bồi thêm một lời bình phẩm tàn nhẫn nữa.
“Tôi hy vọng lời phản biện của em ấy chính xác được những câu trả lời lúc nãy!”
Thầy đó lại đi quá xa nữa rồi! Thầy đó đã cố tình khiêu khích Lintang, và lần này Lintang không thể không có phản ứng gì. Nó đứng lên nói.
“Thưa thầy, nếu thầy phản đối vì câu trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi thì may ra lời phản đối của thầy có thể chấp nhận được. Nhưng ban giám khảo đã hỏi một câu hỏi và câu trả lời đó đã được viết trên giấy trắng mực đen hẳn hoi và được cô đọc câu hỏi đọc to lên nữa. Em dám chắc rằng vân tròn Newton được viết ở đây, và câu trả lời của đội em là vân tròn Newton. Thế có nghĩa là đội em xứng đáng nhận 100 điểm. Cho dù nó không đúng ngữ cảnh thì cùng chỉ có nghĩa là ban giám khảo đã hỏi một câu hỏi đúng nhưng chỉ là do cách diễn đạt chưa thật thích đáng thôi.”
Thầy Zulfikar vẫn không chịu thừa nhận chuyện đó.
“Nói cách khác, câu hỏi sai vì những đội khác trông đợi một câu trả lời khác!”
Lintang bác đi, “Chẳng có gì sai ở đây cả ngoại trừ thầy, thưa thầy, thầy đã coi thường bản chất của thuyết vân tròn Newton và muốn hạ thấp điểm của đội em vì tính nhỏ mọn tầm thường.”
Thầy Zulfikar bực mình và nổi đóa. Khán phòng lại như sôi lên. Thầy nhào lên phía trước.
“À, nếu thế thì em hãy giải thích cho tôi nghe bản chất của học thuyết đó đi! Đội của em đạt điểm chỉ vì ăn may thôi, còn thì chẳng biết gì ráo!”
Ôi trời, thật chẳng còn gì để nói nữa. Con nhỏ Sahara cau mặt lại. Sau một lúc ngơ ngác, giờ nó đã trở lại là một con báo, hai hàng chân mày của nó chau lại vào nhau. Đám đông và ban giám khảo sửng sốt, ai nấy miệng há cả ra kinh sợ trước trận tranh cãi khoa học đang hồi cao trào diễn ra trước mắt. Họ thậm chí không thể xen vào được. Đây là một vấn đề ngoài tầm hiểu biết của họ.
Nghe từ vân tròn lặp đi lặp lại nhiều lần, Lintang vẫn tỉnh bơ như không. Rồi nó nhìn chăm chăm vào mẹ nó đang hoang mang ngồi nơi góc phòng. Mặt nó sưng lên, ngực phập phồng. Trông như thể nó đang mang trên người một gánh nặng to tướng vậy. Tôi lập tức hiểu rõ phản ứng của nó. Vấn đề về vân tròn Newton chắc chắn gợi cho nó nhớ lại chuyện nó buộc phải bán chiếc nhẫn cưới của mẹ nó để có thể tiếp tục đến trường. Có thể thấy rõ là nó đang tức điên lên. Cuộc tranh luận với thầy Zulfikar đã trở thành vấn đề cá nhân đối với Lintang, và đây là cách phản ứng của một nhân tài đang cơn cáu tiết:
“Bản chất ở đây là rõ ràng Newton đã chỉ đúng những sai sót trong cảc hoc thuyết về màu sắc của Descartes, Aristotle, và sau này là Robert Hooke! Ba người này nghĩ rằng màu có những quang phổ riêng biệt. Thông qua thấu kính lõm, mà sau này khai sinh ra định lý vân tròn, Newton đã chứng minh rằng màu sắc nằm dọc theo một quang phổ liên tục và quang phổ đó không được tạo ra bởi những đặc tính thủy tinh, mà là đặc tính cơ bản của ánh sáng!”
Thầy Zulfíkar kinh ngạc! Khán giả chẳng hiểu mô tê gì về thuyết quang học, thậm chí ngay cả gật đầu họ cũng không thể gật. Tôi sung sướng quá. Linh cảm của tôi đã đúng! Tôi muốn nhảy ra khỏi ghế, đứng trên cái bàn trước mặt mà hét tướng lên: Các bạn có biết ai đây không? Đây là Lintang Samudra Basara con trai của Syahbani Maulana Basara, một học sinh thông minh xuất chúng và là người ngồi cùng bàn với tớ đấy! Nào mọi người hãy làm quen với cậu ấy đi!”
Lintang vẫn chưa thôi.
“Newton cho rằng, trừ phi thầy, thưa thầy, thầy muốn nghi ngờ một bản thảo về khoa học đã được chứng minh cách đây 500 năm, rằng tỷ trọng của những phân tử trong suốt quyết định hạt mà chúng phản xạ. Đó là mối liên hệ giữa độ dày của tầng khí quyển và quang học theo định lý về vân tròn màu sắc. Tất cả điều này có thể chỉ được xem xét dưới cái nhìn của quang học. Thưa thầy, làm sao thầy có thể cho rằng những vấn đề này không hề có liên quan gì đến nhau?”
Thầy Zulfikar lảo đảo như muốn quỵ xuống, mặt xanh xám. Thầy ngồi phịch xuống một chiếc ghế, người như thể không còn xương. Dường như thầy chẳng còn biết nói gì. Đôi kính trễ xuống sóng mũi gãy trông thật thảm hại. Thầy nhận ra rằng việc mù quáng sa vào cuộc khẩu chiến về một điều thầy không nắm vững lắm chỉ tổ khiến sự xuẩn ngốc của thầy lòi ra trước cặp mắt sáng ngời của những người như Lintang mà thôi. Vậy nên thầy vẫy khăn trắng đầu hàng; Lintang đã đánh gục thầy. Lintang đã buộc thầy phải nuốt chửng một viên APC đắng nghét mà không chiêu ngụm nước nào, và viên thuốc chữa bách bệnh đó mắc kẹt ngay cổ họng thầy.
Các cổ động viên cho đội chúng tôi nhảy vòng quanh như một bầy khỉ đang cơn khoái chí vì lời tranh luận vừa rồi của Lintang đã mặc nhiên giữ vững vị trí vô địch của chúng tôi trong giải Học sinh giỏi năm nay, một giải thưởng hàng mấy chục năm qua trường chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy. Ấy là một thành tích mà không ai có thể hình dung rằng chúng tôi sẽ đạt được.
Cô Mus giật lá cờ trường Muhammadiayh từ tay con nhỏ Flo. Cô vẫy rối rít. Mắt cô ngời sáng. Miệng cô mấp máy subhanalla, subhanalla, lạy Đức Alla.
Tôi lại ôm chầm lấy Lintang lần nữa. Tôi chúc mừng nó vì đã có công lớn trong chiến thắng của chúng tôi, và đặc biệt là đã hoàn thành lời hứa thứ hai của mình – lời hứa với mẹ - là sẽ giành được giải thưởng Học sinh giỏi để đáp lại sự hy sinh của mẹ, vì mẹ đã cho bán chiếc nhẫn cưới để nó tiếp tục đi học.
Khi Lintang giơ cúp chiến thắng lến cao, người hùng đầu tiên của chúng tôi, Harun, huýt gió như cao bồi gọi lũ bò về nhà. Harun xúc động bởi chiến thắng của Lintang nhưng cậu ấy lại chúc mừng Trapani. Dù cho Lintang có giỏi đến cách mấy, cậu ấy vẫn cứ thần tượng mỗi một Trapani; đó là người cậu ấy muốn trở thành. Trong lúc đó, bà Frischa, hiệu trưởng trường PN, ngồi trên một chiếc ghế to tuớng, quạt lấy quạt để hòng xua đi cái nóng. Bà ngồi cựa quậy không yên, vẻ mặt thất thần như thể tâm trí đang ở tận đâu đâu.
 Chương 31 - Người đàn ông có tấm lòng bao la như biển NGÀY HÔM SAU, chúng tôi đứng xếp hàng trước tủ trưng bày. Giờ đến lượt Lintang nhận vinh dự được đặt chiếc cúp vào trong tủ. Chiếc cúp vô địch Học sinh giỏi đứng cạnh chiếc cúp lễ hội hóa trang có được nhờ công sức của Mahar.
Hai chiếc cúp đã cho chúng tôi hiểu được tại sao Thượng đế lại ban tặng cho chúng tôi hai người bạn thiên tài ấy. Nhờ Mahar mà chúng tôi đủ dũng khí để đua tranh. Nhờ Lintang, chúng tôi dám mơ ước.
Hai chiếc cúp đúng thật là tuyệt. Chúng như một cặp tình nhân khăng khít. Chúng đứng bên nhau không tách rời như thể đang tuyên bố rằng chúng là tài sản của những chiến binh sẵn sàng đối mặt với bất kỳ khó khăn nào và không bao giờ có cảm giác than thân trách phận, ngay cả khi số phận luôn nghiệt ngã.
Trước đây, người ta tin rằng trí lực cũng như thể lực của chúng tôi, và thậm chí ngôi trường của chúng tôi sẽ đổ sụp chỉ sau vài tuần. Không ai từng nghĩ rằng có lúc chúng tôi lại giành được những phần thưởng cao quý đến như thế này. Nhưng hãy nhìn chúng tôi đi, nhìn hai chiếc cúp danh giá đi. Hãy nhìn cách chúng tôi đứng trước chiếc tủ trưng bày thể hiện niềm tự hào to lớn đến thế nào đi. Chúng tôi mạnh mẽ và can trường hơn bao giờ hết. Sự dạy dỗ kiên trì và bền bỉ của thầy Harfan và cô Mus giờ bắt đầu cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn. Hai con người tận tâm ấy giờ đang cố nén giọt lệ trong khi đứng nhìn chăm chăm hai chiếc cúp vì biết rằng, từ giây phút này trở đi, không một ai có thể coi thường trường chúng tôi được nữa.

Cho dù sức khỏe đang giảm sút nghiêm trọng, thầy Par Harfan thậm chí còn hăng say giảng bài cho chúng tôi hơn sau chiến thắng ở giải Học sinh giỏi đó. Thầy không biết mệt mỏi là gì, dốc lòng dốc sức chuẩn bị cho chúng tôi đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp sắp đến.
Thầy hướng dẫn cho chúng tôi hàng giờ liền. Thầy làm việc như thể đang chạy đua với cái gì đó. Nên dù phải học cật lực như thế, chúng tôi vẫn quá đỗi vui mừng. Phương pháp giảng dạy của thầy Harfan giúp cho những bài học thuộc lòng dường như trở thành bữa ăn thịnh soạn. Những bài toán hóc búa trở thành những trận thi thố, môn số học khó nuốt giờ thành môn giải trí.
Vào những ngày cuối tuần, thầy Harfan đi xe đạp 100 cây số đến Tanjong Pandan mang theo cái giỏ đựng đủ thứ hoa màu từ vườn nhà thầy: dứa, chuối, riềng nếp và cả khoai nướng nữa. Thầy bán những thứ ấy để mua sách cho chúng tôi. Trên đường về, thầy ghé qua thư viện thành phố. Thầy vào đó mượn đề thi tốt nghiệp các năm trước.
Nhưng bệnh suyễn của thầy Harfan đang mỗi ngày một nặng thêm. Thầy còn ho ra cả máu, chúng tôi thường phải nhắc thầy nghỉ ngơi.
“Không lên lớp thì thầy còn mệt hơn ấy chứ,” thầy luôn bảo thế.
“Và nếu thầy có chết, thầy sẽ chết tại ngôi trường này” thầy đùa.
Thầy Harfan cứ tiếp tục làm việc không ngơi nghỉ như thế. Thầy chữa bài tập cho chúng tôi đến tận khuya lơ khuya lắc. Thầy phê thật chi tiết vào tờ kiểm tra của chúng tôi, hướng dẫn cách khắc phục từng khuyết điểm một.
Suốt hàng mấy tháng trời, tối nào cũng vậy, sau buổi đọc kinh Koran chúng tôi lại chạy ào về trường để nhận bài tập làm thêm thầy Harfan giao.
Vậy mà vào một đêm nọ, chúng tôi đợi trong lớp mất một lúc mà không thấy thầy Harfan đến. Chúng tôi bèn đến văn phòng thầy bên cạnh vườn trường. Chúng tôi gõ cửa, nhưng không nghe tiếng trả lời. Chúng tôi mở cửa và trông thấy thầy ngồi gục mặt lên bàn. Tôi gọi thầy, nhưng thấy không đáp lại. Tôi đến gần hơn một chút và thấy thầy như đang ngủ say. Tôi tiến lại gần hơn và gọi thầy lần nữa. Thấy vẫn im lặng. Tôi chạm vào tay thầy, bàn tay lạnh như đá. Thầy không còn thở nữa. Thầy Harfan đã ra đi.
Thầy Harfan đi dạy từ khi mới mười lăm mười sáu tuổi, tính ra đã hơn năm mươi mốt năm. Chính thầy đã đốn cây trong rừng mang về xây nên ngôi trường Muhammadiyah này. Thầy đã mang súc gỗ đầu tiên - và nặng nhất trên chính đôi vai của mình, và đó là cây cột chính hiện vẫn còn trong lớp học chúng tôi. Chúng tôi đã đo chiều cao của mình trên cây cột ấy trong suốt những năm tháng qua, để lại trên thân nó đầy những vệt cứa. Đối với chúng tôi, cây cột ấy thật thiêng liêng.
Người ta bảo hồi xửa hồi xưa, thầy Harfan cũng có nhiều học trò và giáo viên lắm. Nhưng dần dà, cộng đồng mất niềm tin nơi nhà trường còn giáo viên mất niềm tự hào về nghề nghiệp của mình. Sự phân biệt giáo dục dưới sự áp đặt của PN làm người ta không còn hăng hái cho con em đến trường. Sự phân biệt này khiến cư dân Belitong bản địa tin rằng chỉ con cái của nhân viên PN mới được học ra đầu ra đũa và có cơ hội vào được đại học và rằng chỉ giáo viên PN mới có tương lai. Điều này khiến cho trẻ em bỏ học dần, và dần dà so giáo viên cũng rơi rớt theo. Họ hoặc trở thành cu li cho PN hoặc làm ngư dân.
“Học mà làm gì chứ?” bọn trẻ trong làng hỏi để mà phủ nhận. “Dù thế nào mình cũng không thể tiếp tục được nữa.”
Tình huống càng trở nên tệ hơn khi bọn trẻ làng lóc nhóc không đến trường nhưng vẫn “được việc”. Bọn chúng kiếm ra tiền từ việc hái tiêu, trông coi cửa hàng, làm thợ xảm, mài dừa và phụ việc vặt cho thuyền đánh cá.
Đối với chúng nó, trường học chỉ mang tính tương đối - đặc biệt là với những đứa tìm được công việc có thu nhập như những đứa đủ can đảm vào rừng tìm gỗ trầm huơng và đàn hương vàng chẳng hạn. Chúng có thể mua được xe đạp trong khi thầy Harfan, đường đường là hiệu trưởng, phải dành dụm từng rupi một cũng chi đủ để thay cái lốp xe mòn vẹt. Giáo dục mau chóng trở thành một nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái vòng chẳng mấy hy vọng được cắp sách tới trường, phải cật lực vì cái ăn cái mặc hằng ngày dưới sự phân biệt đối xử.
Nhưng thầy Harfan vẫn luôn cần mẫn cố gắng thuyết phục những đứa trẻ ấy rằng học thức thể hiện lòng tự trọng, rằng giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa , rằng học tập không phải lúc nào cũng buộc chắc với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn mình. Đó là định nghĩa hết sức thú vị đến hơi thở cuối cùng mới có thể giữ được. Một cái chết vinh quang, như thầy vẫn hằng mong muốn.
Không có phát súng tiễn biệt, không một vòng hoa viếng, không phần thưởng nào từ chính quyền hay bài phúng điếu từ Bộ Giáo dục, không một lời ngợi ca nào từ bất kỳ ai. Nhưng thầy đã để lại một cái giếng mát lành trong tim của mười một đứa học sinh chúng tôi, một cái giếng kiến thức không bao giờ cạn.
Chúng tôi khóc tiễn thầy trong lớp học. Người khóc khiến ai nghe cũng phải thắt ruột là Harun. Thầy Harfan như cha của cậu ấy. Cậu khóc quá chừng, không ai dỗ cho nín được. Nước mắt tuôn chảy ướt cả áo sơ mi.
Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_22
Phan_23 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .